Cách áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng
Cách áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng

Cách áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng là điều rất nhiều người làm kinh doanh quan tâm. Đặc biệt là trong dịch bệnh Covid 19 này.

Thế nào là trường hợp bất khả kháng?

Theo luật Dân sự 2015, khoản 1 , điều 156, định nghĩa về trường hợp bất khả kháng như sau:

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân dự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Điều 294 Luật Thương Mại có nêu các trường hợp miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm:

  • Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận.
  • Xảy ra sự kiện bất khả kháng
  • Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
  • Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Các sự kiên bất khả kháng cụ thể

Thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, động đất, sóng thần, thay đổi chính sách nhà nước…. Nói chung tất cả những gì nằm ngoài khả năng “kiểm soát” của chủ thể tham gia hợp đồng.  Tuy nhiên, những sự kiện như gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao….thường được xem là rủi ro kinh doanh hơn là sự kiện bất khả kháng (để miễn trách nhiệm). Muốn được xem là trường hợp bất khả kháng phải xem xét từng trường hợp cụ thể cũng như phản ứng của mỗi bên khi sự kiện xảy ra, bao gồm cả sự lường trước hậu quả khi sự kiện diễn ra và các hành động cụ thể khắc phục, cũng như thông báo và thiện chí của các bên với nhau. Trên hết các bên tham gia đều muốn cho đối tác được hưởng lợi ích hoặc giảm thiệt hại thì sự kiện bất khả kháng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Làm gì khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra?

 Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm (khoản 2, điều 294, Luật Thương Mại 2005)

Thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm: (Điều 295 Luật Thương Mại)

  • Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.
  • Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
  • Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.

Tại sao trong hợp đồng mua bán hay cho thuê đều có trường hợp bất khả kháng?

Sự kiện bất khả kháng thể hiện tính nhân văn và tinh thần tương thân tương ái trong mối quan hệ giữa con người với nhau khi một hay các bên chịu thiệt hại ngoài ý muốn và không thể khắc phục được.

Ngoài ra việc miễn trách nhiệm khi xảy ra trường hợp bất khả kháng còn vì lợi ích của các bên tham gia hợp đồng. Vì khi các bên có thể vực dậy việc kinh doanh của mình thì việc làm ăn của đôi bên mới lâu dài được. Cũng như nếu sự kiện bất khả kháng kia xảy ra chung cho xã hội thì chắc chắn việc miễn/giảm trách nhiệm cho người thiệt hại là việc cần làm để khôi phục kinh tế xã hội sau thảm họa, như covid-19.

Hiểu về cách áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng như dịch bệnh Covid 19 như thế nào?

– Khoản 2 Điều 351 Luật dân sự 2015: “Trường hợp các bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Luật quy định “không phải chịu trách nhiệm dân sự” khi xảy ra trường hợp bất khả kháng, bên có nghĩa vụ đã thông báo và không thể khắc phục được. Khi đó các bên căn cứ vào hợp đồng đã nêu về trường hợp bất khả kháng hoặc cùng nhau thỏa thuận (nếu chưa có) để xem xét về việc miễn/giảm trách nhiệm dân sự. Vậy trách nhiệm dân sự ở đây là gì? Trách nhiệm dân sự khác với nghĩa vụ dân sự như thế nào? Khi có trường hợp bất khả kháng thì nghĩa vụ này sẽ như thế nào và có liên quan gì đến trách nhiệm?

Nghĩa vụ: nói một cách đơn giản nhất là những việc phải làm theo quy định của pháp luật hoặc theo đạo đức xã hội. Ví dụ, hợp đồng mua bán yêu cầu các bên phải thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận…Đó là thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật. Bản thân nghĩa vụ và quyền cũng không được vượt qua khuôn khổ pháp luật. Còn nghĩa vụ trên cơ sở đạo đức xã hội như việc hướng dẫn người già, người tàn tật qua đường, hoặc nhường đường, ưu tiên ghế trên xe buýt cho phụ nữ mang thai, người già, người tàn tật, cấp cứu người đang nguy hiểm tính mạng, chăm sóc nuôi dạy con, phụng dưỡng ba mẹ già…Tại sao đây phải là nghĩa vụ? Vì bản chất những việc làm này là vì sự phát triển của xã hội, sự ổn định của đất nước. Thử hỏi nếu không có những nghĩa vụ đạo đức này thì xã hội có thật sự phát triển, tình thương có thật sự được áp dụng? Mặt khác, những nghĩa vụ đạo đức này chính là được hình thành qua ngàn đời của con người chứ không phải một sớm một chiều. Việc thực hiện những nghĩa vụ đạo đức này thể hiện tính nhân văn và tôn trọng văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có nhiều người sẽ nói: những việc đó tôi không làm cũng chẳng sao, việc không liên quan đến mình thì không cần thiết. Thế nào là không liên quan? Nếu thấy một người đang nguy kịch đến tính mạng mà bỏ mặc, không gọi mọi người cùng cứu, không gọi xe cứu thương. Khi đến cơ sở y tế thì không được tiếp nhận. Vậy người đó và cơ sở y tế đó có bị chế tài pháp luật không? Chắc chắn là những việc làm này đều được quy định trong pháp luật để hình thành nên một xã hội tốt đẹp hơn. Đó là bản chất của luật pháp.

Trách nhiệm nói một cách đơn giản nhất là hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu. Trách nhiệm dân sự mang tính vật chất (tài sản, lợi ích). Vì vậy, trách nhiệm dân sự chính là trách nhiệm bù đắp cho bên bị vi phạm nghĩa vụ một lợi ích vật chất nhất định hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nếu không có thiệt hại xảy ra. Căn cứ vào tính chất vừa nêu, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ được thành 02 loại cơ bản nhất:

  1. Trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ.
  2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Ví dụ: trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh theo điều 342 Luật dân sự 2015 là: 

– Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

– Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền uyên cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại. 

(Lưu ý 3 bên trong hợp đồng bảo lãnh: bên nhận bảo lãnh (vd ngân hàng) – bên được bảo lãnh (bên vay) – bên bảo lãnh (vd bên dùng tài sản đứng ra bảo lãnh cho bên vay)).

Qua ví dụ trên ta thấy, nghĩa vụ trong hợp đồng bảo lãnh đối với bên bảo lãnh là phải trả tiền thay bên được bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh không trả được nợ. Và để thực hiện nghĩa vụ đó thì bên bảo lãnh có một trong hai trách nhiệm trên hoặc cả hai: trách nhiệm phải trả tiền và trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có). Đó là những gì hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng và sẽ thỏa thuận nếu xảy ra việc vi phạm nghĩa vụ. Và cuối cùng nếu không thực hiện trách nhiệm dân sự thì bên có quyền lợi bị ảnh hưởng có thể khởi kiện ra tòa dân sự để đòi lại quyền lợi và bồi thường thiệt hại cho mình. Đây là nguyên tắc cơ bản trong giải quyết vấn đề dân sự.

Vậy trong trường hợp bất khả kháng thì bên không thực hiện đúng nghĩa vụ thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc các bên có quy định khác. (Khoản 2, Điều 351 bộ Luật dân sự 2015). Ta có thể hiểu điều này như thế nào?

– Không thực hiện đúng nghĩa vụ: có nghĩa là hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đủ nghĩa vụ, sai khác so với nghĩa vụ. Sai khác so với nghĩa vụ có thể là chậm hơn so với thời hạn. Trong các trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ này, nếu khởi kiện ra tòa, tòa sẽ buộc bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ/cho bên có nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ (kéo dài thời hạn)/hoãn thực hiện nghĩa vụ trong một thời gian/phạt/bồi thường thiệt hại cho bên có quyền/chấm dứt hợp đồng. Tất nhiên hai bên có quyền kháng cáo nếu thấy không hài lòng về phán quyết của tòa.

– Còn không phải chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp bất khả kháng có nghĩa là miễn trách nhiệm dân sự. Miễn trách nhiệm dân sự là bên vi phạm nghĩa vụ (không thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ) không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ do việc vi phạm của mình gây nên. Vậy miễn trừ trách nhiệm dân sự có đồng nghĩa với miễn trừ nghĩa vụ hay không? Trong hợp đồng thiệt hại là vật đặc định có khác với hợp đồng mà thiệt hại không phải là vật đặc định như: doanh thu, lợi nhuận, tình hình kinh doanh, nợ, thương hiệu…

Miễn trừ trách nhiệm dân sự khác với miễn trừ nghĩa vụ dân sự như thế nào?

Theo điều 372 Luật dân sự 2015, căn cứ chấm dứt nghĩa vụ:

Nghĩa vụ chấm dứt trong các trường hợp sau:

  1. Nghĩa vụ được hoàn thành;
  2. Theo thỏa thuận của các bên;
  3. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;
  4. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
  5. Nghĩa vụ được bù trừ;
  6. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một;
  7. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết; (Ví dụ: hết thời hạn bảo hành sản phẩm thì bên bán không còn nghĩa vụ bảo hành khi khách đem sản phẩm đến sửa chữa hoặc khiếu nại)
  8. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  9. Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác;
  10. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
  11. Trường hợp khác do luật quy định;

Như vậy, trong luật chỉ quy định nghĩa vụ chấm dứt trong những trường hợp trên chứ không có quy định về không thực hiện nghĩa vụ trong khi hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Luật dân sự 2015 quy định miễn trách nhiệm khi có xảy ra trường hợp bất khả kháng, có nghĩa là không chịu trách nhiệm – không chịu hậu quả khi vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp bất khả kháng – cũng đồng nghĩa với việc vi phạm nghĩa vụ mà không bị phạt, bồi thường thiệt hại hay bị buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Vậy câu hỏi đặt ra là: thiệt hại của bên có quyền trong trường hợp này sẽ như thế nào? Bên có quyền sẽ chịu hết thiệt hại đó nếu như bên có nghĩa vụ cứ căn cứ vào trường hợp bất khả kháng để không thực hiện nghĩa vụ? Câu hỏi này vẫn chờ lời giải từ tòa và từ những trường hợp thực tế.

Investment Land Company – Nhà tư vấn

Địa chỉ: Tầng 3 An Phú Plaza, 117 – 119 Lý Chính Thắng, Phường 07, Quận 3, Tp.HCM

MST: 0313851136

Hotline: 0902848440 – 0938460400 (English)

Email: info@investmentland.com.vn

Facebook: https://www.facebook.com/InvestmentLandCompany/

Website: investmentland.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *